Bối cảnh và tình huống mặt trận Chiến_dịch_Krym_(1944)

Từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, quân đội Đức Quốc xã xây dựng một tiền tuyến ở phía đông. Krym được coi là tiền đồn phía Nam của phòng tuyến Wotan. Tháng 10 năm 1943, Tập đoàn quân 17 (Đức) đã buộc phải rút lui khỏi thảo nguyên Kuban qua eo biển Kerch-Taman. Cuối năm 1943, Hồng quân đẩy lùi Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) khỏi miền nam Ukraina. Tháng 11 năm 1943, Phương diện quân Ukraina 4 (Liên Xô) hoàn thành Chiến dịch tấn công Nikopol-Krivoi Rog, tiến đến bờ Đông sông Dniepr, chia cắt và cô lập Tập đoàn quân 17 (Đức), chiếm giữ cửa ngõ vào Krym tại eo đất Perekop[8].

Krym là một bán đảo khá biệt lập với lục địa châu Âu, chỉ nối với đất liền bằng eo đất Perekop với các vịnh lầy trải dài từ Perekop đến Genichesk và dọc theo bờ biển Azov đến tận Ak Monai. Sự biệt lập này làm cho Krym trở thành một vùng đất dễ phòng thủ nhưng cũng dễ dàng trở thành một "cái túi tác chiến" nguy hiểm với bốn bề là biển. Krym có một bán đảo nhỏ Kerch ở phía Đông, ngăn cách với bán đảo Taman của vùng Bắc Kavkaz qua một eo biển hẹp nối biển Azov với Biển Đen. Địa hình Krym có nhiều núi cao. Các khe hẻm cùng một số con sông ngắn, nhỏ nhưng sâu chia cắt. Lợi dụng các yếu tố địa hình này, các đạo quân từng chiếm đóng Krym đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự kiên cố mà đáng kể nhất là Lũy Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông bán đảo Kerch, mỏ đá Ak Monai và hàng chục pháo đài kiên cố ở Sevastopol, Eupatoria, Feodosiya, Kerch, Eltigen, DzhankoiSimferopol, trung tâm của bán đảo.[9]

Bán đảo Krym có một vị trí quân sự rất quan trọng về hàng hải. Từ Krym, có thể kiểm soát toàn bộ vùng phía Bắc Biển Đen và phát huy sức mạnh của không quân và hải quân đến các vùng đất ven bờ biển từ Romania đến Gruzia. Ngoài tầm quan trọng về hàng hải quân sự, Krym còn có vai trò rất quan trọng về kinh tế: các nhà máy luyện quặng ở Kerch, Sevastopol, các nhà máy công nghiệp chế biến thực phẩm, các căn cứ hậu cần nghề cá, các khu vực trồng ngũ cốc, các trang trại trồng nho, các nhà điều dưỡng ở bờ biển phía Nam. Trong thời gian chiếm đóng, Krym là nơi nghỉ dưỡng của các thống chế, tướng lĩnh và các quan chức cao cấp của nước Đức Quốc xã.[10]

Năm 1941, Quân đội Liên Xô đã trụ lại tại Sevastopol được 250 ngày và chỉ chịu rút lui bằng đường biển khi tình huống mặt trận tại bán đảo Kerch diễn biến xấu đi. Năm 1944, đến lượt Tập đoàn quân 17 (Đức) cũng bị giam hãm tại đây khi Quân đội Đức Quốc xã thất bại liên tiếp ở mặt trận phía Đông. Mọi sự tiếp tế cho tập đoàn quân này đều thực hiện bằng đường biển qua các cảng Sevastopol, Eupatoria ở phía Tây và Feodosiya ở phía Đông bán đảo. Việc tiếp tế qua đường không cũng được quân Đức thực hiện bằng các máy bay Junkers Ju 52 có tầm bay xa và các thủy phi cơ. Các căn cứ chính để tiếp viện cho quân Đức ở Krym gồm các hải cảng Odessa (Ukraina), Constanţa (Romania), VarnaBurgas (Bulgaria).[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Krym_(1944) http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://rus-sky.com/history/library/w/w091.htm#_Toc... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/7/7d... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/gorshkov_sg/07.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/04.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/01.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/04.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/05.html http://militera.lib.ru/memo/russian/avdeev_mv3/04....